Skip to content Skip to navigation

ĐỊA ĐIỂM CẦN BIẾT

BẢO TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH

Thành lập tháng 9 - 1975, tiền thân là nhà trưng bày tội ác chiến tranh Mỹ - Ngụy, năm 1998, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được Liên hiệp quốc công nhận là một trong số 61 bảo tàng thuộc hệ thống "Bảo tàng vì hòa bình" của thế giới. Tọa lạc tại số 28 Võ Văn Tần quận 3, TPHCM, thông qua những gì trưng bày, du khách tham quan có thể phần nào thấy được sự ác liệt của chiến tranh cũng như sự can trường của người dân Việt Nam.

Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên.

 

BẾN NHÀ RỒNG

Toà nhà có đôi rồng gắn trên nóc, kiểu "lưỡng long chầu nguyệt" nên thường được gọi là "Nhà Rồng", do vậy bến cảng thuộc khu vực này cũng mang tên Bến Nhà Rồng. Bến Nhà Rồng hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, là một chi nhánh nằm trong hệ thống các Bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Trong hơn 20 nǎm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã đón tiếp gần 20 triệu lượt khách từ khắp nơi trong và ngoài nước đến tham quan. Đặc biệt có hàng trǎm đoàn nguyên thủ quốc gia và đoàn cao cấp các nước đến thǎm viếng tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

BƯU ĐIỆN TRUNG TÂM SÀI GÒN

Toà nhà Bưu điện Sài Gòn là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố, có nhiều đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu và châu Á quyện vào nhau. Tòa nhà tọa lạc bên hông Vương cung Thánh đường (Nhà thờ Ðức Bà) ở quảng trường Công Xã Paris. Nhà Bưu điện được xây dựng xong, trở thành một loại hình dịch vụ lạ và gây ấn tượng rất mạnh với dân chúng.

Tòa nhà nổi bật với sự bố cục cân đối của các hạng mục công trình mang tính thẩm mỹ cao. Các chi tiết cân đối, chia đều ra hai bên, đối xứng nhau qua một "trục" trung tâm. Mặt tiền có kết cấu hình khối, với vòm cung phía trên các cửa. Hệ thống cột, trụ chính, phụ, mái hiên đều có kết cấu hình khối vuông. Trên mỗi đầu trụ, cột được chạm khắc hoa văn, phù điều công phu, tỉ mỉ. Ở mặt tiền tòa nhà có hệ thống đường viền, đường chỉ là những chuỗi hoa văn chạy ngang, tạo nên vẻ đẹp, sự cân đối và làm cho tòa nhà có vẻ như không cao lắm.

 

CHỢ BẾN THÀNH

Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, từ lâu chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm qua ngôi chợ này đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố thương mại lớn nhất nước và là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay. Những năm gần đây chợ Bến Thành còn là địa điểm tham quan không thể thiếu cho bất cứ tour du lịch nào đến TP. Hồ Chí Minh. Hẳn nhiên, du khách đến chợ không chỉ đơn thuần để tìm mua những hàng hóa hay quà lưu niệm mà còn tìm ở đó chút hình ảnh riêng, một cá tính đặc trưng thể hiện trong những sinh hoạt đời thường của một thành phố mà chợ chính là nơi bộc lộ rõ nhất.

 

CHÙA GIÁC LÂM

Kiến trúc chùa Giác Lâm được xem là tiêu biểu cho lối kiến trúc chùa Nam bộ, với mặt bằng tổng thể theo kiểu chữ tam; chính điện là kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, có bốn cột chính gọi là tứ trụ. Chùa nguyên thủy không có cổng tam quan (cổng tam quan được xây dựng năm 1955), mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng. Chùa hình chữ nhật, gồm 3 lớp nhà chính: chính điện, giảng đường, nhà trai, không kể các nhà phụ.

Chùa Giác Lâm là nơi chứa đựng nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Ngày xuân nơi đây đón hàng ngàn khách thập phương và du khách quốc tế đến lễ phật tôn kính và chiêm ngưỡng nét cổ kính uy nghiêm của chùa.

 

CÔNG VIÊN VĂN HÓA ĐẦM SEN

Công viên Đầm Sen là một trong những công viên lớn và hiện đại nhất cả nước. Kiến trúc nơi đây thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, Công Viên Văn Hóa Đầm Sen còn là nơi vui chơi giải trí rất hấp dẫn cho các em thanh - thiếu nhi. 

 

DINH ĐỘC LẬP

Dinh Độc Lập là một công trình kiến trúc ở thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, nó đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Dinh có nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ như: dinh Norodom (1889 - 1954), Dinh Thủ tướng (9-1954 - 10-1956), dinh Độc Lập (10-1956 - 10-1976) và ngày nay là Hội trường Thống Nhất. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của nước nhà. Ngày nay, Dinh vừa là điểm tham quan du lịch lý tưởng, vừa là nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp khách của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dinh mở cửa đón khách hằng ngày từ 7h30 đến 11h00 và từ 13h00 đến 16h00, kể cả thứ bảy, chủ nhật và lễ Tết.

 

 ĐỊA ĐẠO CỦ CHI

Địa đạo Củ Chi cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía Tây Bắc. Đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược. Với tầm vóc chiến tranh của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.

Địa đạo Củ Chi có hai điểm: Địa đạo Bến Dược (căn cứ Khu ủy & Quân khu Sài Gòn – Gia Định được bảo tồn tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi Thành phố Hồ Chí Minh) và Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy huyện Củ Chi được bảo tồn tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngày nay, địa đạo Củ Chi còn khoảng 120 km được bảo vệ và trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến thăm thành phố Hồ Chí Minh. Du khách được trải nghiệm cuộc sống dưới địa đạo như những cư dân địa đạo thực thụ  trước đây. Đến Thành phố Hồ Chí Minh, bạn hãy đến thăm Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, để hiểu thế nào là cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ.

 

KHU DU LỊCH VĂN HÓA SUỐI TIÊN

Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên tọa lạc tại cửa ngõ Ðông Bắc Sài Gòn, trên tuyến Xa lộ Hà Nội, thuộc địa bàn phường Tân Phú, Quận 9, cách trung tâm Thành phố khoảng 19km. Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên được xây dựng, cải tạo với mục đích kết hợp du lịch với giáo dục văn hoá lịch sử, nguồn cội dân tộc.

Nét độc đáo của Suối Tiên là tính chất lịch sử, huyền thoại, các cụm mô hình ở đây được lấy ý tưởng từ các truyền thuyết, huyền tích của dân tộc và tư tưởng đạo học phương Ðông. Một công trình đặc biệt thu hút đông đảo du khách vào tham quan, vui chơi tại Suối Tiên là khu vực biển Tiên Đồng – Một mô hình biển nhân tạo duy nhất ở Việt Nam.

 

 

 

NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SÀI GÒN

Ban đầu công trình được biết đến như là một công trình kiến trúc lớn ở quảng trường công xã Paris, trung tâm thành phố, với hai tháp chuông cao 40 mét - ngoài những danh hiệu giáo dân quen gọi là Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Nhà nước, Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn, nhà thờ này còn có thêm một danh hiệu nữa là Nhà thờ Đức Bà. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đã dần trở thành biểu tượng của trung tâm thành phố.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là nhà thờ Công giáo có quy mô lớn và đặc sắc, một những công trình kiến trúc thu hút nhiều khách tham quan nhất tại thành phố này.

 

THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

Thảo Cầm Viên Sài Gòn (tên gọi tắt: Thảo Cầm Viên), tên ban đầu: Vườn Bách Thảo (còn người dân quen gọi Sở thú) là nơi bảo tồn động thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới.

Sau hơn 130 năm tồn tại, Thảo Cầm Viên đã trở thành một vườn thú lớn với 590 đầu thú thuộc 125 loài, thực vật có 1800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bon sai... và đang được bổ sung thêm.

Nguồn: website danhbagiaitri.vn