“Chấn thương” cảm xúc hậu giãn cách: Nhiều người chỉ muốn ở trong nhà, học online, kèm nỗi sợ tái hoà nhập cộng đồng
“Cuộc sống bình thường mới” mà chúng ta hằng khao khát suốt những tháng qua liệu có còn ý nghĩa nữa hay không?
Năm 2021 đã trôi qua, suốt khoảng thời gian ấy, chúng ta đã phải chứng kiến biết bao thay đổi dưới sức ảnh hưởng của đại dịch và giãn cách xã hội. Dù muốn hay dù không, chính bản thân chúng ta cũng là một phần trong sự thay đổi ấy. Ở nhà lâu đã phần nào xóa đi những thói quen thường nhật cũ, tạo ra những thói quen như cơm nhà, đưa thú cưng đi dạo mỗi ngày, dành thời gian cho người thân trong gia đình... chúng ta sống cuộc đời ít drama, bình lặng hơn hẳn. Và khi vừa quen với những thay đổi ấy, "cuộc sống bình thường mới" xuất hiện.
Việc đột ngột phải thay đổi thêm lần nữa, nhiều người không thể thích ứng kịp. Họ cảm thấy chưa sẵn sàng để sống như ngày chưa giãn cách xã hội. Bởi lẽ, khái niệm "bình thường" trong họ đã được định nghĩa lại từ lâu, những thú vui của "cuộc sống bình thường mới" đều là thừa thãi, vô nghĩa và không cần thiết. Có người còn cảm thấy "cuộc sống bình thường mới" đang "tước đoạt" của họ nhiều hơn là đem lại niềm vui.
Mặt khác, việc phải đi học lại khi đã ở nhà quá lâu còn khiến một số người cảm thấy như bị ép buộc chọn lựa giữa sự nghiệp và hạnh phúc. Cũng là từng ấy khối lượng học nhưng khi phải ngồi một chỗ, giữ tư thế đúng mực tại lớp học khiến dân tình stress, mệt mỏi hơn là được lăn lộn thỏa sức ở nhà. Việc học tại trường giờ đây như chiếc "gông cùm", trói buộc họ suốt 8 tiếng mỗi ngày. Điều này khiến họ bắt đầu nhớ nhung những ngày học online, ác cảm với trường lớp, thậm chí là muốn bỏ học.
Song song với những vấn đề trên chính là nỗi sợ phải tái hòa nhập cộng đồng. Không thể phủ nhận suốt nhiều tháng chôn chân ở nhà, ai cũng nhớ bạn bè, người thân và thèm lắm hơi người. Nhưng đến khi gặp lại, có quá nhiều người không biết phải nói gì, hành xử ra sao với mọi người xung quanh.
Chưa kể, được biết và hiểu rõ về cách phòng dịch, chúng ta vẫn lo sợ. Suốt thời gian qua, chúng ta vẫn nghe về cái chết mỗi ngày nhưng ai nấy đều thấy an tâm hơn khi được ở trong nhà, tin rằng mọi dịch bệnh và sợ hãi sẽ dừng ở sau cánh cửa. Giờ đây khi phải hòa mình làm một với dòng người đông lúc, một số người cảm thấy hoang mang biết bao, lo sợ không biết dịch bệnh có bùng phát lại và liệu mình có trở thành F0 hay không.
Tất cả những nỗi sợ hãi, chẳng yêu mến nổi "cuộc sống bình thường mới ấy" đều là di chứng của những "chấn thương" về mặt cảm xúc khi phải thay đổi cuộc sống thường ngày. Và sâu xa hơn, nó còn là "vết sẹo" không thể xóa nhòa mà đại dịch đã để lại trên mỗi chúng ta khi chứng kiến cái chết của hàng triệu người, có cả bạn bè, người thân hay người quen.
Những gì chúng ta có thể làm để xoa dịu phần nào những "vết sẹo", xóa bỏ những "chấn thương" của thời kỳ giãn cách xã hội là để một cái gì đó sâu sắc hơn bắt rễ. Điều đó có thể bắt đầu bằng việc chấp nhận "cuộc sống bình thường mới" có thể sẽ không "bình thường" như chúng ta đã từng hình dung hay khát khao suốt mấy tháng qua. Chúng ta phải ngừng chối bỏ những sự khác biệt của cuộc sống ấy. Không phải bằng cách ép buộc bản thân phải thích nghi ngay, thay vào đó, là nhìn nhận lại các giá trị sống, tìm ra cách thay đổi những lỗ hổng trong cuộc đời mỗi người, trong công việc, trong giao tiếp xã hội trước và sau đại dịch.
Nếu không, chính chúng ta có vẻ như đã và đang lãng phí cơ hội, những giá trị quý báu mà mình nhận được trong khoảng thời gian giãn cách xã hội. Hãy đến với WeTalk số 44 chủ đề “Chấn thương” cảm xúc hậu giãn cách để được giải đáp câu hỏi trên vào lúc:
Thời gian từ 19:00 - 20:00, Thứ Bảy ngày 26/02/2022
Tại: Online trên Microsoft Teams
Link đăng ký: https://link.uit.edu.vn/Wetalk