Skip to content Skip to navigation

Cảnh báo hành vi gọi điện lừa đảo

CUỘC GỌI LỪA ĐẢO NGÀY CÀNG LỘNG HÀNH VÀ KHUYẾN CÁO CỦA CÔNG AN

Dù Bộ Công an liên tục cảnh báo người dân về các cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại nhưng nhiều người vẫn mắc mưu những thủ đoạn tinh vi.

Nếu trước đây, đối tượng mà các băng nhóm tội phạm công nghệ cao hướng đến là phụ nữ và người già thì bây giờ các cuộc gọi lừa đảo không chừa một ai, từ người trẻ, người có hiểu biết, người công tác trong ngành công an, kiểm sát.

Công tác trong lĩnh vực báo chí, chị Phương Anh (SN 1990) khá đề phòng với các cuộc gọi hù dọa qua điện thoại. "Khi nhận điện thoại kiểu có một biên bản phạt nguội do vi phạm giao thông, tôi đã rất buồn cười vì chiêu lừa này tôi nghe bạn bè kể mỗi ngày. Ban đầu đối tượng nói chuyện nhỏ nhẹ nhưng sau đó gằn giọng, to tiếng khiến tôi cũng phải nổi nóng"- chị Phương Anh kể. Theo chị Phương Anh, chỉ tính riêng trong cơ quan chị, đã có khoảng 20 người từng nhận cuộc gọi nhằm lừa đảo.

Bà Nguyễn Quỳnh Lan (Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp) chia sẻ câu chuyện bị gọi điện hù dọa: "Mỗi ngày tôi nhận hàng chục cuộc gọi từ các số máy lạ, có lần đối tượng gọi cho tôi nói rằng tôi bị dính vào đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Đối tượng yêu cầu tôi cung cấp chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng để xác minh mình trong sạch. Ngoài ra, băng nhóm lừa đảo còn gửi lệnh bắt qua zalo với "mộc đỏ" và chữ ký hẳn hoi. Tội phạm công nghệ cao ngày càng nở rộ nên người dân phải hết sức cẩn thận, tránh bị mắc lừa mất tài sản".

Một hình thức khác đó là kẻ gian gọi điện nói có bưu kiện, có hàng hóa "nghi có vấn đề" bị giữ ở hải quan, yêu cầu xác minh. Các đối tượng sẽ gửi đường link giả mạo website Bộ Công an rồi yêu cầu làm theo hướng dẫn. Khi người dân làm theo các bước thì xuất hiện Lệnh bắt giam với chữ ký, con dấu giống của VKSND Tối cao.

Sau đó, đối tượng yêu cầu kê khai tên ngân hàng, số điện thoại đăng ký ngân hàng, họ và tên, số căn cước công dân, tên đăng nhập, mật khẩu rồi bấm "xác nhận". Theo Công an TP HCM, chỉ cần đăng nhập và xác nhận kẻ gian sẽ vô hiệu hóa, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và rút sạch tiền của nạn nhân.

Về vấn đề lừa đảo bằng công nghệ cao, thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cho biết thời gian gần đây tội phạm lừa đảo qua mạng diễn biến tương đối phức tạp.

Theo Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, nhiều hình thức lừa đảo mới đã xuất hiện, như giả danh cơ quan tố tụng, các cơ quan chức năng để đe dọa và yêu cầu chuyển tiền; gọi điện thoại thông báo "gửi quà biếu" và yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản...

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng nước ngoài lập các sàn giao dịch ảo, quảng cáo trên mạng để người dân đầu tư sau đó khi đông đảo người tham gia thì chủ động đánh sập sàn rồi cao chạy xa bay.

Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn khẳng định công an không mời người dân hay yêu cầu họ chuyền tiền và cấp số tài khoản bằng điện thoại. "Khi nhận được các cuộc gọi có dấu hiệu bất thường, người dân cần tắt điện thoại và báo cho cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc báo tin qua các đường dây điện thoại nóng" - Phó Giám đốc Công an TP HCM khuyến cáo.

NLĐ