Skip to content Skip to navigation

Không gian chia sẻ - Buổi trò chuyện truyền cảm hứng số 42

 WETALK - KHÔNG GIAN CHIA SẺ chủ đề "Sự im lặng độc hại hay một bước gần hơn với bạo hành tinh thần?”

Khi chúng ta ngừng giao tiếp và phớt lờ nhau: Sự im lặng độc hại hay một bước gần hơn với bạo hành tinh thần? Sự im lặng độc hại, không chỉ khiến chúng ta tuyệt giao với những người xung quanh mà còn đẩy các mối quan hệ hay bản thân trở nên độc hại hơn.

Chúng ta bạo hành với nhau bằng cách im lặng vì không ai coi đó là bạo hành; chỉ đơn giản là một sự im lặng hay từ chối giao tiếp. Bằng tất cả những lý do như không thoải mái nói chuyện, không hợp nhau, cảm thấy cần thời gian nghỉ ngơi… chúng ta hợp lý hóa cho việc ngừng giao tiếp của bản thân. Im lặng độc hại như một trò chơi mà đối phương không biết làm thế nào để giải quyết vấn đề, còn kẻ bạo hành chẳng phải làm gì nhiều ngoài… im lặng.

Chúng ta vẫn coi im lặng là điều bình thường cho tới khi nó vượt qua tầm kiểm soát, đặc biệt là với những người thân thiết. Con người là những sinh vật xã hội và chúng ta cần giao tiếp để duy trì cuộc sống. Việc mất kết nối một cách chủ đích khiến cuộc sống trở nên tồi tệ hơn những gì chúng ta có thể nghĩ tới. Về ngắn hạn, sự im lặng sẽ dẫn đến căng thẳng và áp lực. Nếu phải chịu đựng sự im lặng lâu dài, nó đã chuyển thành một dạng bạo hành.

Những mối quan hệ rạn vỡ, xu hướng tự chỉ trích bản thân, trầm cảm, rối loạn lo âu và kể cả tự tử đều là hậu quả có thể xảy ra của sự im lặng và phớt lờ. Khi nhìn về những tác động tiêu cực của phớt lờ lên nạn nhân, người ta thấy tương tự như bất cứ sự bạo hành thể chất nào. Có những mối quan hệ, im lặng đến từ một phía, như trường hợp của tôi đến từ cả hai phái. Ai là nạn nhân và ai là hung thủ? Chúng ta đều là “nạn nhân” của sự im lặng độc hại vì hung thủ cũng gặp phải những vấn đề của riêng mình. Chừng nào họ còn giữ trạng thái im lặng, cô lập đối phương, tách biệt nhau ra khỏi mối quan hệ, chừng đó họ còn chìm trong sự tức giận và cảm xúc tiêu cực.

Điều tồi tệ hơn, im lặng và phớt lờ có khả năng “gây nghiện”. Khi nhận ra hiệu quả của cách thao túng cảm xúc này, chúng ta sẽ liên tục sử dụng trong mối quan hệ như một cách để phản kháng trước những bất đồng hay sự không vừa lòng với bất cứ vấn đề gì. Phần lớn những người thực hiện sự im lặng độc hại không có ý định sẽ kéo dài nó lâu như vậy nhưng rất khó để họ có ngừng mọi chuyện lại.

Với bạn, điều quan trọng nhất để giải quyết vấn đề im lặng và phớt lờ là lên tiếng, nói với đối phương rằng mình mong muốn giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, khi đối phương từ chối giải quyết vấn đề, có lẽ đã tới lúc rời khỏi mối quan hệ. Vì suy cho cùng, dù sự im lặng kéo dài 4 tiếng hay 40 năm, sự im lặng độc hại đó nói nhiều hơn về kẻ thao túng hơn là về nạn nhân. Bạn đang rơi vào hoàn cảnh như vậy và loay hoay không tìm được cách xử lý. Hãy đến với WeTalk số 42 chủ đề "Sự im lặng độc hại hay một bước gần hơn với bạo hành tinh thần?” vào lúc:

Thời gian từ 19:00 - 20:00, Thứ Sáu ngày 18/12/2021

                     15:00 - 16:00, Thứ Năm ngày 23/12/2021

Tại: Online trên Microsoft Teams

Link đăng ký: https://link.uit.edu.vn/Wetalk