Chăn bò, gặt lúa vẫn học giỏi
Từ khi hai người anh rời xa nhà, anh lớn đi bộ đội, anh kế vào TP.HCM học ở một trường trung cấp, những con bò trong nhà dựa hẳn vào Chiến. Buổi sáng Chiến đi học, trưa về ăn vội chén cơm rồi dắt bò đi tìm những bãi cỏ xanh tốt cho chúng ăn. Người dân ở xã Phổ Thuận chủ yếu làm nghề nông, ngoài mảnh ruộng, mỗi gia đình đều có nuôi vài con bò, bởi vậy thức ăn cho chúng ngày càng khan hiếm, có lúc Chiến phải dẫn bò đi rất xa mới kiếm đủ thức ăn cho chúng, tối mịt mới về đến nhà. Những lúc ấy, Chiến rất thấu hiểu cái nghèo khó và luôn mơ ước cháy bỏng về con đường tri thức sau này của mình.
Khi bò no cũng là lúc Chiến lấy bài ra học, Chiến tâm sự: “Mỗi lần học bài em cảm thấy rất thích, trong mỗi bài đều mang đến cho mình sự hiểu biết thêm về thế giới bên ngoài”. Mẹ Chiến bảo : “Nó học mà bác thấy thương, tội nghiệp lắm, cả ngày cực khổ, tối về học bài đến đêm”. Thời gian của một buổi tối dường như quá ngắn, bởi vậy Chiến thường “kéo dài” nó ra cho đến tận khuya, để có đủ thời gian “nghiền ngẫm” những công thức toán học.
Chiến càng học càng giỏi, nếu lớp 1 đến lớp 3 chỉ đạt danh hiệu tiên tiến thì sang lớp 4, lớp 5, Chiến luôn được tặng giấy khen học sinh giỏi. Lên lớp 6, Chiến học ở Trường THCS Phổ Vang, ở đây ai cũng khâm phục cậu bé suốt ngày đi chăn bò, gặt lúa ngoài đồng mà sao vẫn học giỏi quá, 4 năm liền được hiệu trưởng tặng bằng khen. Không dừng lại ở đó, Chiến được chọn đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đã giành được giải khuyến khích ở môn hoá.
Không có điều kiện đi học thêm ở những lò luyện thi đắt tiền, Chiến tự tìm ra phương pháp học tập cho riêng mình: “Đọc bài trước khi đến lớp, ngoài các bài tập trong sách giáo khoa, tìm thêm các bài tập ở bên ngoài để rèn luyện thêm, không hiểu gì thì hỏi lại thầy cô”.
Nông dân thích công nghệ thông tin
Ở cái nơi mà người dân chủ yếu chỉ biết cây lúa và đồng ruộng thì nói đến máy vi tính, công nghệ thông tin rất nhiều người “ú ớ”. Chiến cũng không hơn gì họ. Năm học lớp 7, khi trường tổ chức cho học sinh học nghề, Chiến chọn đại ngành tin học mặc dù chưa biết gì về nó, nhưng khi nhìn thấy chiếc máy vi tính trong trường là Chiến “mê” liền! Chiến nói: “Ai chế tạo ra máy vi tính thật hay, nó biết thay con người tính toán cả ngàn con số mà không mệt!”. Từ lúc đó, Chiến biết mình sẽ gắn với cái máy “hay hay” ấy.
Nhà nghèo thì lấy đâu tiền ra mua cái máy vi tính, Chiến chỉ biết mày mò nghiên cứu cái máy tính điện tử bỏ túi cũ kỹ để thoả mãn trí tò mò của mình. “Nghiên cứu” nhiều khiến Chiến rất “siêu” trong việc sử dụng máy, nhờ vậy mà Chiến đã được giải khuyến khích ở cuộc thi máy tính bỏ túi cấp tỉnh.
Lúc học cấp II, Chiến không được học môn tin học vì lúc đó trường rất khó khăn, không đủ kinh phí để trang bị máy vi tính. Nhưng sang lớp 10, Chiến bắt đầu được học môn này và được làm quen với công nghệ thông tin.
Thấy con quá mê máy vi tính, ba mẹ Chiến cũng ráng hết sức để tìm cho con một cái máy cũ. Mẹ Chiến tâm sự: “Nhớ lại chuyện mua chiếc máy vi tính cho Chiến để có điều kiện học tốt hơn mà cả nhà vẫn rơi nước mắt. Năm ấy bán rất nhiều lúa mà vẫn không đủ tiền mua máy, ba mẹ phải chạy vạy, xoay sở khắp nơi...”. Bao công sức của ba mẹ để Chiến mới có được ngày hôm nay. "Bây giờ mơ ước vào đại học của em đã thực hiện được rồi. Em cố gắng học thật giỏi, mai này trở thành một kỹ sư tin học, quan trọng hơn là đền đáp công lao trời biển của ba mẹ nuôi em nữa!" - Xuân Chiến bộc bạch.
Thi tốt nghiệp PTTH được 53 điểm, Chiến tự tin đăng ký thi tuyển sinh vào đại học. Khi làm hồ sơ, Chiến chọn Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đều thuộc ĐHQG-HCM. Trong thời gian luyện thi, hàng ngày Chiến vẫn dẫn bò đi ăn cỏ, trong lúc bò ăn thì tranh thủ lấy bài ra học, vì buổi tối không đủ thời gian.
Kết quả thi đại học không phụ lòng người, Chiến đậu cả hai trường với điểm rất cao: Trường đại học công nghệ thông tin đậu thủ khoa với 29 điểm, Trường đại học khoa học tự nhiên (ngành công nghệ môi trường) 27,5 điểm.
Trần Xuân Chiến hiện đang chuẩn bị để vào TP.HCM thực hiện ước mơ của mình, Chiến sẽ rất nhớ cha mẹ, người thân và cả những cánh đồng lúa vàng, cùng những con bò mà hàng ngày Chiến chăm sóc rất kỹ. Chiến ước mong mình sẽ trở thành một nhà lập trình giỏi, tạo ra nhiều phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống ở miền quê của mình, để mọi người không phải cực khổ nữa.
Và một điều đáng vui cho UIT là bạn Trần Xuân Chiến hiện đang là Giảng viên trẻ khoa Công nghệ Phần mềm.