Skip to content Skip to navigation

Không gian chia sẻ - Buổi trò chuyện truyền cảm hứng số 65

Đã gần lắm cái Tết Nguyên đán, và trên mạng xã hội vẫn tràn ngập những câu chuyện chê trách người trẻ ngày càng rời xa các giá trị truyền thống. Nhưng, liệu có quá khắt khe nếu dùng góc nhìn chủ quan của thế hệ “offline” trước đây để dán cho người trẻ chiếc nhãn “vô tâm” mỗi dịp xuân về?
 
Khoảng cách thế hệ đôi khi cũng tạo nên những cách biệt đáng kể trong suy nghĩ, nhìn nhận cuộc sống. Chúng tôi coi Tết là khoảng thời gian để nghỉ ngơi sau một năm làm việc mệt nhoài, dành cho bản thân những khoảng lặng để nghiền ngẫm, nghĩ suy về năm cũ. Bố mẹ coi Tết là khoảng thời gian để đi thăm hỏi người thân họ hàng, để dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng không gian và sẵn sàng đón một cái Tết đủ đầy, trọn vẹn nhất. Có những khoảng vênh nhất định trong tâm thế của thế hệ Y, Z và thế hệ X mỗi ngày Tết. Ký ức về Tết cổ truyền lần hồi về quá khứ nhưng những nghi lễ, khuôn phép vẫn in hằn trong nếp suy nghĩ của bố mẹ, để đôi khi soi vào cuộc đời lớp trẻ như chúng tôi và khẽ thở dài: Người trẻ giờ, vô tâm với Tết quá nhỉ?
Tự hỏi liệu những người trẻ như tôi có thực sự thờ ơ, vô tâm với Tết quá không để phải chịu những định kiến, tiếng thở dài hay chép miệng ngày cuối năm. Tại sao người trẻ bị gán mác là những người trẻ vô tâm mỗi dịp Tết đến?
 
Nếu ngày thường, smartphone đã trở thành một vật bất ly thân của người trẻ thì trong ngày Tết, càng lúi húi bên điện thoại hay ôm máy tính nhiều hơn. Ngoài những chuyến đi thăm họ hàng hay quây quần bên mâm cơm, đâu có quá nhiều sự lựa chọn để nghỉ ngơi hay vui chơi trong dịp Tết. Bạn bè cũng về quê, ngày Tết người ta cũng ngại ra ngoài khi nhiều địa điểm vui chơi đóng cửa, thành ra chiếc smartphone nghiễm nhiên thành công cụ tiêu khiển dễ dàng nhất cho các bạn trẻ. Làm tròn nghĩa vụ đi thăm họ hàng và cùng nhau sum vầy trò chuyện dường như là chưa đủ với bố mẹ.
“Nghiện di động”, “chỉ biết cắm mặt vào điện thoại thôi” - bố mẹ vẫn hay cằn nhằn như vậy, từ chuyện bé xé ra to; chúng tôi trở thành những đứa không biết lo nghĩ cho gia đình, quên đi họ hàng, không ra ngoài hòa nhập với cuộc sống. Trong con mắt người lớn, tiền lì xì hay đồ ăn ngày Tết cũng không còn khiến mắt lũ trẻ bừng sáng, chiếc điện thoại di động có lẽ hấp dẫn hơn bánh chưng hay những phong bao lì xì mang bao lời chúc tử tế đầu năm.
 
Chúng ta có cả năm để vẫy vùng với cuộc đời nhưng chỉ có vài ngày để trở về với gia đình, liệu như vậy có vô tâm với bố mẹ không? Cuộc sống lúc nào cũng vội vàng, chẳng có lấy một phút nghỉ ngơi, đến Tết rồi cũng không lắng lại được một chút sao? Bố mẹ trách vô tâm trong những ngày Tết, từ những điều đó mà ra chứ đâu xa. 
Nhưng, những người trẻ không vô tâm đến vậy, những người trẻ cũng có câu chuyện của riêng mình. Làm sao để thể hiện câu chuyện riêng, làm sao để dung hoà giữ truyền thống và cá tính cá nhân. Để hiểu rõ hơn thì hãy đến với WeTalk số 66 chủ đề Bạn đang bị định kiến "Tết vô tâm"
Thời gian từ 14:00 - 15:00, thứ 3 ngày 23/01/2024, Online trên Microsoft Teams
                     19:00 - 20:00, thứ 3 ngày 30/01/2024, Online trên Microsoft Teams
 Link đăng ký tham gia: https://link.uit.edu.vn/Wetalk