1. Bệnh cúm mùa là gì?
Cúm mùa, thường do vi rút cúm A hoặc B gây ra, có các triệu chứng như sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, đau họng và sổ mũi. Ho có thể nghiêm trọng và kéo dài trên 2 tuần. Hầu hết mọi người khỏi bệnh trong vòng một tuần, nhưng cúm có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong ở những nhóm có nguy cơ.
2. Làm thế nào để tránh bị cúm?
Cách tốt nhất để tránh bị cúm là tiêm vắc xin cúm hằng năm. Nên tiêm vắc xin ngay trước mùa cúm để có hiệu quả bảo vệ cao nhất, mặc dù tiêm bất kỳ lúc nào trong năm vẫn có thể giúp ngăn ngừa nhiễm cúm.
3. Những ai có nguy cơ mắc bệnh nặng?
Những người có nguy cơ cao mắc cúm mùa nghiêm trọng bao gồm:
-Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ
-Trẻ em dưới 5 tuổi
-Người trên 65 tuổi
-Người có các bệnh mãn tính như HIV/AIDS, hen suyễn, bệnh tim, phổi và đái tháo đường
-Người có nguy cơ phơi nhiễm cúm cao, bao gồm cả nhân viên y tế.
4. Bệnh cúm được điều trị như thế nào?
Người bệnh cúm nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Hầu hết người bệnh sẽ hồi phục trong vòng một tuần. Thuốc kháng vi rút có thể làm giảm các biến chứng nghiêm trọng và tử vong, đặc biệt quan trọng đối với các nhóm có nguy cơ cao và cần được dùng sớm (trong vòng 48 giờ sau khi có triệu chứng). Thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với vi rút cúm.
5. Vì sao không nên tự ý dùng thuốc kháng vi rút trị cúm?
Thuốc kháng vi rút trị cúm được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế.
6. Làm sao để ngăn chặn cúm lây lan?
Cúm có thể lây lan qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua bàn tay bị nhiễm vi rút. Để hạn chế lây truyền, mọi người nên che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho, sau đó vứt khăn giấy đúng nơi quy định và rửa tay kỹ lưỡng.
Tài liệu tham khảo:
WHO: https://www.emro.who.int/health-topics/influenza/questions-and-answers.html
Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố