Skip to content Skip to navigation

Giới thiệu chương trình đào tạo khoa HTTT

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

 

Tên chương trình:                  Chương trình đào tạo Kỹ sư Hệ thống thông tin

Trình độ đào tạo:                   Đại học

Chuyên ngành đào tạo:         Kỹ sư Hệ thống thông tin

Loại hình đào tạo:                 Chính quy tập trung

 

A. GIỚI THIỆU CHUNG

 

1. Nhu cầu đào tạo

 

Thực tế, các ứng dụng của công nghệ thông tin và khoa học máy tính vào hệ thống quản lý kinh tế - xã hội, hành chính - tài chính, kinh doanh - thương mại,.. đã thúc đẩy hình thành khoa học về hệ thống thông tin. Tùy thuộc vào mục tiêu quản lý mà hệ thống thông tin có những sắc thái khác nhau. Hoạt động trong lĩnh vực này không những đòi hỏi phải nắm vững kiến thức và kỹ năng về khoa học máy tính và công nghệ thông tin mà còn phải am hiểu tương đối chính xác về các khái niệm, về bản chất, hành vi và cơ chế hoạt động của hệ thống quản lý nhằm hỗ trợ ra quyết định một cách kịp thời, chuẩn xác, đáp ứng nhu cầu phát triển của hệ thống.

 

Từ đó nhu cầu thực tiễn về đào tạo các kỹ sư có khả năng phân tích, thiết kế, xây dựng và điều hành hoạt động của các hệ thống thông tin đang ngày càng bức thiết. Đặc biệt là trong thời đại bùng nỗ thông tin hiện nay, nhu cầu xây dựng, phát triển và quản lý các hoạt động của chính phủ điện tử, thương mại điện tử, giáo dục điện tử,.. đang ngày càng đòi hỏi những chuyên gia giỏi về hệ thống thông tin máy tính tại Việt nam.

 

Nhiều năm qua cùng với sự xuất hiện các hệ thống thông tin quản lý (MIS: Management Information Systems) các hệ thống thông tin phát triển từ các cơ sở dữ liệu địa lý cũng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ - đó là các hệ thống thông tin địa lý (GIS: Geographic Information Systems). Theo dự kiến trong vài năm tới nước ta sẽ phóng vệ tinh viễn thám, khi đó nhu cầu nguồn nhân lực chuyên nghiệp về GIS sẽ rất lớn, sẽ rộng khắp từ các cấp tỉnh, thành cho đến phạm vi cả nước.

 

Từ những phân tích trên đây và qua tìm hiểu thực tế triển khai đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, Trường Đại học CNTT chọn ngành hệ thống thông tin để xây dựng chương trình đào tạo Kỹ sư hệ thống thông tin. Trước hết, đây là nhu cầu bức thiết của đất nước về nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên về hệ thống thông tin để phục vụ sự nghiệp đổi mới cơ chế quản lý, cải cách hành chính, cải tiến quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh,.. sẵn sàng cho xu thế hội nhập khu vực và trên thế giới. Nhận thức như vậy, Trường Đại học CNTT đã xây dựng Khoa Hệ thống Thông tin phát triển thành một trong những khoa mạnh của Trường có nguồn lực tốt về cơ sở vật chất, có các phòng thí nghiệm hiện đại về công nghệ truyền thông và hệ thống thông tin, có đội ngũ giảng viên cơ hữu chất lượng cao, có nguồn giảng viên mời trình độ cao và đa dạng từ Trường Đại học Kinh tế, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Bách Khoa Tp.HCM.

 

Hơn nữa, việc xây dựng chương trình đào tạo Kỹ sư Hệ thống thông tin còn góp phần mở rộng khả năng nghiên cứu, đào tạo và hợp tác trong lĩnh vực Hệ thống thông tin của Trường Đại học Công nghệ thông tin với các tổ chức, đơn vị có chức năng nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài nước.

 

2. Năng lực đào tạo

 

Khoa Hệ thống thông tin của Trường có nhiệm vụ đào tạo về chuyên ngành Hệ thống Thông tin - một lĩnh vực của công nghệ thông tin còn mới mẻ tại nước ta. Tuy đang ở bước đầu xây dựng, nhưng đã có gần 150 sinh viên hệ cử nhân CNTT từ xa qua mạng của ĐHQG-HCM làm luận văn tốt nghiệp theo hướng ngành hệ thống thông tin và trên 20 học viên làm luận văn cao học về hệ thống thông tin trong số 50 học viên tốt nghiệp thạc sĩ CNTT tại Trường Đại học CNTT.

 

Trong các năm qua, tập thể cán bộ Khoa đã công bố trên 50 công trình khoa học tại các tạp chí và các hội nghị ở trong và ngoài nước. Đến nay Khoa đã hoàn thành 1 đề tài độc lập cấp nhà nước, 2 đề tài nghiên cứu cơ bản cấp nhà nước, 2 đề tài trọng điểm cấp ĐHQG-HCM, 4 đề tài cấp tỉnh-thành, 3 đề tài cấp cơ sở.

 

Trước mắt những hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Khoa tập trung vào các hướng:

  • Nghiên cứu các phương pháp phân tích và thiết kế các hệ thống thông tin tiên tiến.
  • Nghiên cứu phát triển các hệ cơ sở dữ liệu (CSDL) tiên tiến như CSDL hướng thời gian, CSDL đa phương tiện, CSDL mờ, CSDL đồ thị, CSDL suy diễn.
  • Phát triển các nghiên cứu nhằm tăng cường khai thác tri thức từ CSDL, quản trị các kho dữ liệu lớn, tìm kiếm thông tin trên web, tìm kiếm ngữ nghĩa.
  • Phát triển các nghiên cứu liên ngành giữa tin học và các ngành khoa học khác như: xử lý ngôn ngữ tự nhiên, sinh học, hoá học, môi trường, v.v..
  • Phát triển các hệ thống thông tin ứng dụng trong các lĩnh vực giáo dục điện tử, thương mại điện tử, hành chính điện tử,..

Các bộ nghiên cứu, giảng dạy của Khoa thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại Phòng Thí nghiệm Truyền thông Đa phương tiện và Phòng Thí nghiệm Hệ thống Thông tin Không gian. Đây là hai phòng thí nghiệm chủ lực, được Nhà trường tập trung xây dựng để phục vụ hướng ngành hệ thống thông tin. Bên cạnh đó, Khoa còn phối hợp Khoa Địa lý và Trường Quản trị Kinh doanh của Đại học Bang Oklahoma để thực hiện đào tạo chuyên về Hệ thống Thông tin Địa lý (GIS: Geographic Information Technology) và Hệ thống Thông tin Quản lý (MIS: Management Information Technology). Điều này làm gia tăng thế mạnh trong đào tạo chuyên ngành, đảm bảo kiến thức vững vàng khi đi chuyên sâu về MIS, GIS, tạo điều kiện cho các cử nhân về hệ thống thông tin khi ra trường là có thể làm việc ngay với những hệ thống quản lý kinh tế-xã hội và quản lý khoa học-công nghệ.

 

Về cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy, Trường hiện có:

  • Sinh viên của Trường sử dụng chung Thư viện của Đại học Quốc gia. Cơ sở dữ liệu của thư viện được cập nhật hàng năm với nhiều loại tài liệu sách, báo, tạp chí bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác.
  • Phòng Lab của Khoa HTTT được trang bị 50 máy vi tính kết hợp với 3 phòng máy tính của Trường được trang bị trên 100 máy, tất cả được nối mạng và có thể khai thác internet.
  • Hệ thống các phòng học chuyên đề với các thiết bị đủ khả năng phục vụ cho việc giảng dạy và học tập như máy desktop, laptop, projector, video, tivi, cassette, máy chụp ảnh,…
  • Tại Khoa Hệ thống thông tin có tủ sách chuyên ngành với hơn 100 đầu sách, ngoài ra, Khoa thường xuyên còn cập nhật thêm những tài liệu chuyên ngành có chất lượng bằng tiếng Anh.

Về đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy trong ngành Hệ thống thông tin:

  • Giảng viên cơ hữu: bao gồm cán bộ giảng dạy thuộc Trường Đại học Công nghệ thông tin và các Trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia; trong đó, có nhiều giảng viên có nhiều năm tham gia giảng dạy chuyên ngành Hệ thống thông tin. Đội ngũ cán bộ của Khoa Hệ thống thông tin gồm 2 Phó Giáo sư, 5 tiến sĩ, trên 10 thạc sĩ, 4 cao học và cử nhân. Trong những năm qua Khoa đã triển khai thành công trên 10 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Hiện có khoảng 40 giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy các môn đại cương và cơ sở cho ngành Hệ thống thông tin.
  • Giảng viên thỉnh giảng: gồm các giảng viên, cán bộ có kinh nghiệm giảng dạy hoặc đang trực tiếp làm việc trong lĩnh vực Hệ thống thông tin thuộc các trường đại học, cao đẳng; các công ty phần mềm và các cơ quan khác… (1 Phó giáo sư, 3 Tiến sĩ, 04 Thạc sĩ).

3. Quan điểm xây dựng chương trình đào tạo ks hệ thống thông tin

 

Chương trình đào tạo Kỹ sư Hệ thống thông tin được xây dựng trên quan điểm chủ đạo:

  • Chương trình đào tạo mang tính liên ngành và tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu nhân lực kỹ sư Hệ thống thông tin của xã hội hiện nay.
  • Gần với chương trình đào tạo ngành Hệ thống thông tin của một số đại học trên thế giới để làm tiền đề cho các dự án hợp tác quốc tế và đào tạo nâng cao về sau.

B. TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KỸ SƯ HỆ THỐNG THÔNG TIN

 

1. Mục tiêu đào tạo

 

Chương trình Kỹ sư hệ thống thông tin được xây dựng và triển khai nhằm mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin có phẩm chất đạo đức, tư duy, có kiến thức, có phương pháp làm việc và kỹ năng thích hợp để làm việc trong lĩnh vực hệ thống thông tin, nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên sâu về hệ thống thông tin, đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong xã hội. Có khả năng xây dựng các hệ thống thông tin cho việc quản lý kinh tế, hành chính và dịch vụ. Có năng lực tham mưu tư vấn và có khả năng thực hiện nhiệm vụ với tư cách như là một chuyên viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hướng đến đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao đạt trình độ khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu xây dựng nguồn nhân lực ngành công nghiệp công nghệ thông tin  trong cả nước.

 

Sau khi hoàn tất chương trình đào tạo kỹ sư HTTT, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng: 

1.1  Kiến thức

  • Kiến thức toán, lý, thuật toán, các phương pháp phân tích, mô hình hóa.. làm  nền tảng triển khai các ứng dụng hệ thống thông tin.
  • Thiết kế, tạo mô hình và xây dựng, quản trị  hệ cơ sở dữ liệu, tổ chức kho dữ liệu, khai phá dữ liệu liên quan đến các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh
  • Phương pháp, kỹ thuật, mô hình nhằm hoạch định, phân tích và thiết kế hệ thống thông tin.
  • Quản lý  đề án và nhóm đề án qua các giai đoạn hoạch định, phân tích, thiết kế và hiện thực đề án xây dựng hệ thống thông tin
  • An toàn và bảo mật hệ thống thông tin, mạng máy tính
  • Quản lý  xí nghiệp; hoạt động kinh tế, tài chính của doanh nghiệp, các khía cạnh pháp lý. Giải pháp sử dụng HTTT để nâng cao khả năng lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp
  • Nhận thực về trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ quản lý hệ thống thông tin

1.2  Kỹ năng

  • Có khả năng vận dụng các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để giải quyết các tình huống trong lĩnh vực CNTT nói chung và hệ thống thông tin nói riêng.
  • Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin
  • Xây dựng và quản trị hệ cơ sở dữ liệu, các hệ thống thông tin trực tuyến trên Web
  • Hoạch định và điều hành đề án xây dựng hệ thống thông tin
  • Lập trình
  • Làm việc nhóm và lãnh đạo và điều hành nhóm công tác

1.3  Chức danh nghề nghiệp

  • Giám đốc thông tin (CIO)
  • Trưởng các đề án Công nghệ thông tin
  • Phân tích viên hệ thống
  • Quản trị viên cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin
  • Lập trình viên
  • Phân tích viên dữ liệu phục vụ điều hành và ra quyết định quản lý.

2. Hình thức và thời gian đào tạo

  • Hình thức đào tạo: chính quy tập trung.
  • Thời gian đào tạo: 4,5 năm trải đều trên 9 học kỳ.

3. Khối lượng kiến thức

Khối lượng kiến thức tối thiều sinh viên phải tích lũy được là:  148 tín chỉ  (chưa tính các học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng, Tin học cơ bản, Ngoại ngữ không chuyên), trong đó:

3.1  Khối kiến thức giáo dục đại cương                        : 33 tín chỉ

     + Bắt buộc: 33 tín chỉ

3.2  Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp                  : 102 tín chỉ

- Khối kiến thức cơ sở của ngành   : 36 tín chỉ

- Khối kiến thức chuyên ngành       : 66 tín chỉ

     + Bắt buộc       : 99 tín chỉ

     + Tự chọn        : 03 tín chỉ

3.3  Thực tập cuối khóa và tốt nghiệp                           : 13 tín chỉ

- Thực tập cuối khóa                                                    : 3 tín chỉ

- Khóa luận tốt nghiệp hoặc môn học chuyên môn         : 10 tín chỉ

3.4  Chương trình giảng dạy tiếng Anh

Môn tiếng Anh xem như một môn điều kiện để cấp bằng tốt nghiệp. Trình độ tiếng Anh là điều kiện để sau khi tích lũy đầy đủ các học phần bắt buộc, tự chọn và điều kiện (giáo dục Quốc phòng và Giáo dục thể chất), sinh viên phải có trình độ chuẩn như sau mới được cấp bằng.

- TOEFL - quốc tế: từ 400 điểm trở lên

- TOEFL - trong nước: từ 450 điểm trở lên

Ngay khi nhập học hoặc trong quá trình đào tạo song song với các môn chuyên môn tại trường nếu sinh viên có được một trong những chứng chỉ trên thì xem như thõa điều kiện về trình độ tiếng Anh. Nhà trường cũng có trách nhiệm hỗ trợ bồi dưỡng trình độ Tiếng Anh cho những sinh viên chưa đạt được trình độ trên. Nhà trường sẽ kết hợp với một tổ chức kiểm định Tiếng Anh có uy tín  (TOEIC chẳng hạn) để đánh giá trình độ Tiếng Anh khi nhập học và khi có yêu cầu.

 

4. Đối tượng tuyển sinh

 

a.     Đối tượng 1: Học sinh tốt nghiệp PTTH (sẽ trải qua kỳ thi đại học vào khối A do Bộ GD&ĐT tổ chức tháng 7 hằng năm).

b.     Đối tượng 2 (tuyển thẳng): Các học sinh giỏi là thành viên đội tuyển quốc gia hoặc đạt giải nhất, nhì các môn Toán, Lý, Tin học trong các kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 toàn quốc.

 

5. Quy chế đào tạo

 

Sinh viên được đào tạo theo hình thức chính quy, áp dụng theo quy chế số 25/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 26 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy chế khung về đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo học chế tín chỉ của Bộ Giáo Dục và Đào tạo cũng như quy chế học vụ bậc đại học theo học chế tín chỉ của Trường Đại học CNTT.

 

Công nhận tốt nghiệp: Sinh viên được công nhận tốt nghiệp khi hội đủ các tiêu chuẩn theo Quy chế số 25/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 26 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế khung về đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo học chế tín chỉ của Bộ Giáo Dục và Đào tạo cũng như Quy chế học vụ bậc đại học theo học chế tín chỉ của Trường Đại học Công nghệ thông tin.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương trình đào tạo theo nhóm môn học

Khoa Hệ thống Thông tin









TT Mã môn Học phần Số TC LT TH HK PL
1 MEDU1   Giáo dục quốc phòng       1 1
2 PEDU1   Giáo dục thể chất 1       1 1
3 PEDU2   Giáo dục thể chất 2       2 1
4 PHIL1   Những NLCB của nghĩa Mác-Lênin 5 5 0 2 1
5 VCPL1   Đường lối cách mạng của Đảng CSVN 3 3 0 3 1
6 HCMT1   Tư tưởng Hồ Chí Minh 2 2 0 4 1
      Tổng số TC: 10          
7 ENG01   Anh văn 1   8 0 1 2
8 ENG02

  Anh văn 2

  7 1 2 2
9 ENG03   Anh văn 3   3 3 3 2
10 ENG04   Anh văn 4   3 3 4 2
11 ENG05   Anh văn 5   3 3 4 2
12 MAT01   Toán cao cấp A1 3 3 0 1 2
13 MAT02   Toán cao cấp A2 3 3 0 2 2
14 LIA01   Đại số tuyến tính 3 3 0 1 2
15 PHY01   Vật lý đại cương A1 3 3 0 1 2
16 PHY02   Vật lý đại cương A2 3 3 0 2 2
17 MAT04   Cấu trúc rời rạc 4 3 1 4 2
18 CSC01   Tin học đại cương 4 3 1 1 2
19 STA01   Xác suất thống kê 3 3 0 5 2
      Tổng số TC : 26          
20 CARC1   Kiến trúc máy tính 3 3 0 2 3
21 DSAL1   Cấu trúc dữ liệu và giải thuật  4 3 1 2 3
22 DBSS1   Cơ sở dữ liệu 4 3 1 3 3
23 OOPT1   Lập trình hướng đối tượng 4 3 1 3 3
24 CNET1   Mạng máy tính 4 3 1 4 3
25 WINP1   Lập trình trên windows  4 3 1 4 3
26 OSYS1   Hệ điều hành 4 3 1 3 3
27 ITEW1   Nhập môn công tác kỹ sư 2 2 0 4 3
28 ITEM1   Nhập môn Quản trị doanh nghiệp 2 2 0 3 3
29 SMET1   Phương pháp NCKH trong tin học 2 2 0 8 3
      Tổng số TC : 33          
30 IS101   Thiết kế cơ sở dữ liệu 4 3 1 5 4
31 IS102   Các hệ cơ sở tri thức 3 3 0 6 4
32 IS103   Hệ quản trị cơ sở dữ liệu 4 3 1 6 4
33 IS104   Cơ sở dữ liệu phân tán 4 3 1 8 4
34 IS105   Hệ quản trị cơ sở dữ liệu Oracle 4 3 1 6 4
35 IS106   Khai thác dữ liệu 4 3 1 7 4
36 IS107   Hệ thống thông tin kế toán 5 5 0 7 4
37 IS201   Phân tích thiết kế hệ thống thông tin 4 3 1 5 4
38 IS202   Nhập môn công nghệ phần mềm 4 3 1 5 4
39 IS203   Lập trình cơ sở dữ liệu 4 3 1 5 4
40 IS204   Nhập môn hệ thống thông tin địa lý 4 3 1 5 4
41 IS205   PTTK hướng đối tượng với UML 4 3 1 6 4
42 IS206   Lập trình ứng dụng Web với Java 4 3 1 6 4
43 IS207   Phát triển ứng dụng web 4 3 1 7 4
44 IS208   Quản lý dự án công nghệ thông tin 4 3 1 6 4
45 IS30*   Môn chuyên ngành tự chọn 3 3 0 7 4
46 IS311   Đồ án xây dựng hệ thống thông tin 3 3 0 7 4
        Tổng số TC :  66          
47 IS501   Thực tập tốt nghiệp 3       5
48 IS502   Môn tốt nghiệp 1 3       5
49 IS503   Môn tốt nghiệp 2 3       5
50 IS504   Đồ án tốt nghiệp 4       5
51 IS505   Khóa luận tốt nghiệp  10       5
        Tổng số TC  : 13          
      Tổng số tín chỉ tích lũy toàn khoá : 148        
               
      Môn chuyên ngành tự chọn          
  IS301   Thương mại điện tử          
  IS302   Phân tích không gian          
  IS303   Hệ cơ sở dữ liệu không gian          
  IS304   Kho dữ liệu và OLAP          
  IS305   Antoàn và bảo mật hệ thống thông tin          
  IS306   Hệ thống thông tin quản lý          

*Ghi chú:

Số TC: số tín chỉ, LT: lý thuyết, TH: thực hành

HK: học kỳ, PL: phân loại