Skip to content Skip to navigation

Rối loạn nghiện game – Nhận biết sớm để can thiệp kịp thời

Game online đã trở thành một hình thức giải trí phổ biến, đặc biệt đối với trẻ em và người trẻ. Với đồ họa sinh động, nội dung đa dạng và sự cải tiến liên tục, game online hấp dẫn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chơi game cũng tiềm ẩn nguy cơ gây nghiện. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%.

Rối loạn nghiện game (Gaming disorder) là một dạng hành vi chơi game có đặc điểm là khả năng kiểm soát trò chơi bị suy giảm, ưu tiên việc chơi game hơn các hoạt động khác đến mức việc chơi game được ưu tiên hơn các sở thích và hoạt động hàng ngày khác bất chấp những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra. Rối loạn nghiện trò chơi trực tuyến (Internet Gaming Disorder) được mô tả trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5-TR) của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA), theo đó nghiện trò chơi trực tuyến phải gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với một số khía cạnh trong cuộc sống con người.

Lý do dẫn đến nghiện game

Yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên nghiện game. Những người nghiện game tìm thấy ở các trò chơi những điều mới mẻ, hấp dẫn, mang đến cho họ cảm giác thích thú, dễ chịu hơn so với cuộc sống thực tại. Ánh sáng, màu sắc, âm thanh và nội dung của game có sức cuốn hút mãnh liệt, khiến họ dần dần dành nhiều thời gian và tâm trí cho nó hơn bất kỳ điều gì khác.

Não bộ cũng đóng góp một phần vào việc hình thành nên nghiện game. Khi chơi game, não bộ sẽ giải phóng dopamine và endorphin, tạo cảm giác hưng phấn và khoái cảm. Điều này khiến người chơi muốn tiếp tục chơi game để được trải nghiệm những cảm giác tích cực đó.

Tuy nhiên, không phải ai chơi game cũng sẽ nghiện game. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ người chơi game có nguy cơ cao trở thành nghiện game. Nghiên cứu cho thấy, ở những người nghiện game, nồng độ serotonin - một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng - sẽ bị sụt giảm đáng kể. Sự sụt giảm này tương tự như ở những người mắc bệnh trầm cảm, dẫn đến các triệu chứng như lo âu, buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động khác.

Để xác định tình trạng rối loạn nghiện game, hành vi phải đủ nghiêm trọng đến mức dẫn đến suy giảm đáng kể chức năng của một người trong các lĩnh vực cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác và thường biểu hiện rõ ràng trong ít nhất 12 tháng.

Người nghiện game thường có những biểu hiện sau:

− Sự bận tâm với việc chơi game

− Những triệu chứng cai khi ngừng chơi (buồn bã, lo lắng, dễ bị kích động)

− Sự kiên nhẫn, cần phải dành nhiều thời gian chơi game để thỏa mãn sự ham muốn

− Không thể giảm chơi game, cố gắng bỏ chơi game nhưng không thành công

− Từ bỏ các hoạt động khác, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây vì chơi game

− Tiếp tục chơi game bất chấp những vấn đề có thể xảy ra

− Lừa dối các thành viên trong gia đình hoặc người khác về lượng thời gian chơi game

− Chơi game để giảm bớt tâm trạng tiêu cực ví dụ như cảm giác tội lỗi, tuyệt vọng

− Nguy cơ hoặc mất việc/mất đi mối quan hệ vì chơi game.

Chẩn đoán rối loạn chơi game trên internet: yêu cầu phải trải qua từ 5 triệu chứng trở lên trong vòng một năm. Tình trạng này có thể bao gồm việc chơi game trên internet cùng với người khác hoặc một mình.

 

Nguồn: Khoa Sức khỏe cộng đồng – Môi trường và bệnh nghề nghiệp, HCDC