BỆNH TRẦM CẢM
Trầm cảm là một căn bệnh về tâm lý rất phổ biến, ai cũng có thể mắc bệnh đặc biệt là ở những người gặp quá nhiều stress, trải qua cú sốc tinh thần và nhất là ở phụ nữ. Trầm cảm khiến người bệnh luôn cảm thấy buồn, mất hứng thú về mọi thứ xung qua. Bệnh trầm cảm gây ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ, hành động, đồng thời còn kéo theo những vấn đề nguy về thể chất và tinh thần. Nếu như tâm trạng xấu kéo dài sẽ gây rất nhiều điều tiêu cực đối với các mối quan hệ xung quanh bạn như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả công việc, nghiêm trọng hơn người mắc bệnh trầm cảm có thể tự tử hủy hoại bản thân.
Nguyên nhân mắc bệnh trầm cảm là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm, tuy nhiên các bác sĩ đã đưa ra một số nguyên nhân chính thường gây ra bệnh trầm cảm như:
Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có người đã từng bị mắc bệnh trầm cảm thì tỷ lệ bạn bị bệnh trầm cảm sẽ cao hơn những người bình thường.
Các chất hóa học trong não: Theo một số nghiên cứu, thành phần các chất hóa học trong não người mắc bệnh trầm cảm khác với người bình thường.
Stress: Khi bạn gặp quá nhiều áp lực trong cuộc sống, công việc hay các mối quan hệ, mà những căng thẳng phiền muộn này cứ tích tụ lâu dần không được giải tỏa sẽ gây ra bệnh trầm cảm.
Bị sốc tinh thần: Có rất nhiều trường hợp người bị bệnh trầm cảm sau khi gặp phải những cú sốc tinh thần mà họ không thể chấp nhận được đã dẫn đến bệnh trầm cảm.
Phụ nữ sau khi sinh: Đây là đối tượng dễ bị mắc bệnh trầm cảm nhất vì những thay đổi trong cuộc sống, sức khỏe bị sụt giảm và không được chồng san sẻ...
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm là gì?
Tùy theo mỗi người sẽ có những dấu hiệu triệu chứng của bệnh trầm cảm khác nhau, có những người sẽ ăn nhiều hơn nhưng có người lại mất cảm giác ngon miệng và bỏ ăn hoặc có người sẽ ngủ rất nhiều, trong khi một số người lại bị khó ngủ hoặc mất ngủ. Ngoài ra còn một số biểu hiện phổ biến thường xuất hiện ở người bệnh trầm cảm như:
- Luôn cảm thấy mệt mỏi.
- Không thể tập trung vào bất cứ việc gì
- Thường đờ đẫn
- Luôn cảm thấy trống rỗng hoặc buồn mà không rõ nguyên nhân.
- Dễ bị kích động, lo lắng, hoảng hốt, vô vọng, tội lỗi.
- Mất hứng thú trong cuộc sống, công việc, các mối quan hệ và cả sinh hoạt tình dục.
- Thường gặp những vấn đề về sức khỏe như đau đầu, đau bụng hoặc hệ tiêu hóa không ổn định.
- Khi bệnh trầm cảm trở nên nghiêm trọng người bệnh thường có những hành động dại dột thậm chí là tự tử.
Để chữa trị và phòng tránh bệnh trầm cảm bạn cần:
- Để tránh cảm giác chán đời: bạn có thể làm cho mình bận rộn 1 chút, hoặc đi chơi, hoặc giải trí với những gì mình thích, có thể tham gia những hoạt động cộng đồng, xã hội, bạn sẽ thấy mình có ích hơn rất nhiều.
- Lên kế hoạch rõ ràng cho những việc mình cần làm, trong công việc, cuộc sống, sắp xếp thời gian dành cho bản thân, gia đình.
- Nâng cao tinh thần bằng cách nâng cao sức khỏe thể chất, lối sống, tích cực tập luyện thể dục thể thao: đi bộ, bơi, đá bóng, tham gia lớp học yoga, lớp học võ ….. hoặc đi du lịch, đến những nơi mình thích.
- Tạo cho mình những niềm vui nho nhỏ như: nấu ăn, đọc sách, xem phim, làm tóc, thay đổi phong cách, làm mới bản thân.
- Gặp gỡ bạn bè, đi chơi, nói chuyện, tâm sự những chuyện buồn vui trong cuộc sống….
- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế những chất kích thích.
- Giữ cho tâm trạng của mình luôn vui vẻ, thoải mái, với suy nghĩ mọi chuyện rồi cũng sẽ qua.
- Đừng tạo áp lực lớn quá cho mình trong công việc, bạn sẽ rất dễ bị stress, hãy làm việc với 1 kế hoạch rõ ràng và áp lực vừa đủ, hãy dành thời gian nghỉ ngơi sau khi hoàn thành 1 công việc nào đó.
Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống